I. ĐẶC TÍNH GIỐNG
- Trọng lượng trái 1,5 - 2 kg.
- Thời gian thu hoạch dài, năng suất cao, chất lượng ăn rất ngon.
- Cho thu hoạch trái chín sau trồng 6,5 - 7 tháng.
II. KỸ THUẬT TRỒNG
1. Mật độ, khoảng cách
- Khoảng cách: 2,0 - 2,5 m x 2,0 m.
- Mật độ: 2.000 - 2.500 cây/ha.
- Lượng hạt giống: 34 - 42 gói hạt/ha (gói 65 hạt).
2. Chuẩn bị cây con
- Ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong 11 - 12 tiếng đồng hồ và dùng tay xoa nhẹ hạt để hạt thấm nước tốt, sau đó vớt ra rửa sạch nhớt và gieo vào bầu.
- Bầu ươm cây con: trộn xơ dừa (đã xả hết chát) với tro trấu (đã xả hết mặn) và phân chuồng hoai mục hoàn toàn với tỉ lệ thể tích: 1 xơ dừa + 1 tro trấu + 1 phân chuồng hoai mục.
- Nên đặt bầu nơi có giàn che để hạt nảy mầm tốt. Tưới nước vừa phải, không để quá khô hoặc quá ẩm.
- Khi cây con cao khoảng 15 - 20 cm, có 5 - 6 lá (40 - 45 ngày sau gieo) thì đem ra trồng.
3. Chuẩn bị đất trồng
- Đu đủ có thể trồng được trên nhiều loại đất, pH thích hợp từ 5,5 - 6,5. Lên luống rộng 2,0 - 2,5 m; giữa các luống có rãnh sâu 25 - 30 cm. Vùng đồng bằng, cần lên líp cao và đường mương sâu để dễ thoát nước.
- Kích thước hố trồng: 50 x 50 cm, hố sâu 30 cm.
4. Bón phân và chăm sóc
Lượng phân bón tham khảo bón cho mỗi gốc:
Bón lót: Mỗi hố bón 5 - 10 kg phân chuồng hoai; 0,3 - 0,5 kg vôi bột; 0,4 - 0,5 kg Lân; 0,1 - 0,15 kg NPK 20-20-15. Trộn đều tất cả với đất mặt rồi lấp đầy hố.
Bón thúc:
Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 4 - 6 tuần, bón mỗi gốc 50 - 80 gam Urê; 0,15 - 0,2 kg NPK 20-20-15.
Bón thúc lần 2: Khi cây ra hoa (khoảng 3,5 - 4 tháng sau trồng), bón mỗi gốc 5 - 7 kg phân chuồng hoai mục; 0,3 - 0,4 kg NPK 20-20-15; 80 - 100 gam KCl.
Bón thúc lần 3: Sau khi thu hoạch lứa quả đầu tiên, mỗi gốc bón mỗi gốc 5 - 7 kg phân chuồng hoai mục; 0,3 - 0,4 kg NPK 20-20-15; 80 - 100 gam KCl.
Làm cỏ, bón phân kết hợp vun gốc. Nên dùng rơm rạ tủ gốc để giữ ẩm, hạn chế xói mòn, cân bằng hệ vi sinh vật quanh gốc. Khơi rãnh chống ngập úng khi có mưa. Lúc cây mang trái, cắm cây cọc để chống đổ ngã.
Tùy theo tình hình thực tế vườn trồng mà có thể gia giảm lượng phân và bón thêm phân bón lá, các loại phân bón trung vi lượng để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cây phát triển và trái đạt chất lượng cao.
5. Phòng trừ sâu bệnh Để phòng trừ sâu bệnh hại cần chú ý bón phân đầy đủ và cân đối, trồng với mật độ như khuyến cáo, vệ sinh đồng ruộng cho thông thoáng, làm đất tơi xốp, thoát nước tốt, kịp thời cắt bỏ và tiêu hủy phần cây bị bệnh để tránh lây lan. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của nhà sản xuất và cần chú ý tuân thủ quy tắc 4 đúng (đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách).