“Tuyệt chiêu” trồng ngô sinh khối cho năng suất cao

Cùng với sự phát triển của trâu, bò trong ngành chăn nuôi thì nhu cầu nguồn thức ăn thô xanh cũng ngày càng tăng cao. Việc trồng ngô sinh khối nhờ vậy mà đáp ứng được các nhu cầu thiếu hụt cho các trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, để ngô đạt năng suất cao thì người trồng cần nắm chắc kiến thức về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô sinh khối. Những điều đó sẽ được Hạt giống Trường Phúc chia sẻ đến bạn trong bài viết sau đây.
 

Ngô sinh khối là gì? Đặc điểm chung của ngô sinh khối

1.1. Ngô sinh khối là gì?

Ngô sinh khối là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp ngô đã chín hoàn toàn. Ngô chín sáp sẽ có độ mềm, mang lại nhiều chất dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi. Toàn bộ cây ngô (thân, lá, bắp) thường được băm hoặc xay nhỏ để gia súc ăn trực tiếp, hoặc chế biến thành thức ăn cho gia súc như ủ chua, nén thành viên hoàn chỉnh,...

 

Ngô sinh khối - Hạt giống Trường Phúc

Ngô sinh khối cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho gia súc

 

1.2. Đặc điểm chung

Một số đặc điểm nổi bật của ngô sinh khối có thể kể đến như:

- Ngô sinh khối là loại cây trồng lương thực ngắn ngày, cây phát triển nhanh, khỏe mạnh, thân to, bộ rễ chân kiềng phát triển giúp cây có khả năng chống đổ.

- Thời gian sinh trưởng của ngô sinh khối ngắn hơn ngô lấy hạt, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 65 - 90 ngày tùy theo giống cây. 

- Năng suất của ngô sinh khối đạt trung bình từ 45 - 60 tấn/ ha.

 

Cần chuẩn bị gì trước khi trồng ngô sinh khối?

2.1. Chọn giống ngô

Giống ngô dùng để sản xuất thức cho gia súc phải có 4 yếu tố:

- Khả năng chống đổ tốt.

- Năng suất sinh khối cao.

- Có thể chịu được các loại bệnh tốt, lá xanh bền.

- Bắp kết hạt tốt.

Hiện nay, bà con có thể sử dụng một số giống để trồng ngô sinh khối như: NK 7328, NK 7328 Bt/Gt, CP 501S,...

 

Ngô sinh khối - Hạt giống Trường Phúc

NK 7328 là giống ngô được sử dụng phổ biến để trồng ngô sinh khối

 

2.2. Thời vụ trồng ngô

Ngô sinh khối là cây trồng lấy toàn bộ cây nên cây có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên, để cây đạt được năng suất cao và khả năng cây thích nghi tốt nhất, nên trồng vào mùa hè thu. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và hệ thống luân canh cây trồng từng địa phương mà bà con có thể lựa chọn khung thời vụ thích hợp.

 

2.3. Chuẩn bị đất trồng

Cây ngô sinh khối là loại cây dễ trồng và có khả năng thích nghi với mọi loại đất khác nhau. Tuy nhiên, đất trồng ngô cần phải là đất tơi xốp, dễ thoát nước thì ngô mới có thể sinh trưởng, phát triển tốt.

 

Ngô sinh khối - Hạt giống Trường Phúc

Bà con cần lưu ý về điều kiện đất trồng để ngô sinh khối phát triển tốt

 

Kỹ thuật trồng ngô sinh khối đạt năng suất cao

3.1. Gieo trồng

Trước khi gieo hạt, đất cần đảm bảo độ ẩm tốt nhất là 70 - 80% độ ẩm tối đa của đồng ruộng, nếu độ ẩm đất dưới 55% thì phải tưới nước. Ngoài ra, bà con cần làm rãnh sâu 2-3 cm, bón phân bón lót vào rãnh và lấp qua lớp đất mỏng lên trên phân để luống ngô gieo vào được cung cấp đủ độ ẩm. Khi gieo hạt cần gieo thẳng hàng để hạt giống không được chạm xuống phân và tránh hạt bị sót không nảy mầm được.

 

Mật độ gieo trồng:

- Lượng giống cho 1 ha: 27 - 30 kg.

- Mật độ thích hợp: 7.7 - 8.3 vạn cây/ ha

- Khoảng cách gieo: Hàng cách hàng từ 60 - 65 cm và cây cách cây 20 cm.

Nếu có điều kiện, người trồng nên gieo hạt bằng máy gieo với chức năng rạch hàng, rải phân, gieo và lấp hạt hoặc máy gieo đẩy tay để đỡ tốn công.

 

Ngô sinh khối - Hạt giống Trường Phúc

Ngô sinh khối có thể được gieo hạt bằng tay thủ công hoặc gieo bằng máy

 

3.2. Làm đất

Cây ngô là cây trồng không chịu được khả năng ngập úng nên cần lưu ý làm rãnh thoát nước tốt và lên luống cao vào mùa mưa. Ngoài ra, người trồng cần làm đất kỹ, vệ sinh cỏ dại, cày sâu 20 - 25 cm và phay nhỏ đất để tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển, giúp cây ngô giảm khả năng chống đổ.

 

3.3. Bón phân

Để cây ngô đạt năng suất cao thì cần phải cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây bằng cách bón phân cho cây ngô dựa vào mùa vụ trồng ngô, đất trồng, khả năng phát triển của bộ rễ, thân lá,…

Lượng bón phân sẽ tùy theo từng loại phân và thời điểm bón:

- Phân hữu cơ: Bón lót toàn bộ trước khi gieo hạt 8 – 10 tấn/ ha phân chuồng hoặc 2500 kg phân hữu cơ vi sinh.

- Phân vô cơ: 

  • Đạm ure: 340 - 350 kg/ ha.

  • Supe lân: 600 - 650 kg/ ha.

  • Kali chlorua: 165 - 170kg/ ha.

Người trồng có thể tham khảo cách bón sau: 

- Bón lót: Toàn bộ phân Supe lân.

- Bón thúc 1: Khi ngô 3 - 4 lá, bón 1/3 lượng phân đạm và 1/2 lượng phân kali.

- Bón thúc 2: Khi ngô 7 - 9 lá, bón hết lượng phân còn lại.

Lưu ý: Nếu sử dụng phân NPK tổng hợp, có thể chọn loại phân và lượng bón phù hợp để đạt mức bón tương đương.

 

Ngô sinh khối - Hạt giống Trường Phúc

Lượng phân và thời điểm bón phải phù hợp thì ngô sinh khối mới đạt năng suất cao

 

3.4. Chăm sóc

Bà con nông dân có thể chăm sóc cây ngô bằng những cách đơn giản như:

- Dặm cây: Sau khi trồng cần thường xuyên kiểm tra đồng, khi cây lên mầm được 2 - 3 lá thật nên tiến hành dặm cây ở những nơi bị mất khoảng bằng bầu ươm để đảm bảo mật độ cho ruộng ngô.

- Tỉa cây: Tỉa định kỳ khi cây ngô có 3 - 5 lá và khi cây ổn định 6 - 7 lá. 

- Tưới nước: Dựa vào điều kiện thời tiết cần có biện pháp tưới nước cung cấp nước cho cây ngô vào những thời điểm cây đang trong giai đoạn sinh trưởng phát triển.

- Xới xáo: Xới xáo để để đất luôn tơi xốp và giữ độ ẩm cho cây. 

- Vun gốc: Thực hiện vun gốc cho cây để giữ cho cây không bị đổ ngã vào 2 thời kỳ là sau khi bón thúc lần 1 và vun gốc, làm cỏ cho cây khi bón thúc lần 2.

 

3.5. Phòng trừ sâu bệnh

Để cây phát triển tốt và ít bị ảnh hưởng từ sâu bệnh gây hại, cần có một số biện pháp:

- Chọn giống ngô ít nhiễm sâu bệnh.

- Sử dụng biện pháp canh tác như luân canh cây trồng, đặc biệt là luân canh với cây họ đậu và lúa nước.

- Thay đổi vụ trồng và chân đất.

- Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh sớm, nhất là sâu đục thân, bệnh khô vằn và đốm lá. Khi sâu bệnh gây hại xuất hiện quá nhiều, cần sử dụng các biện pháp hóa học để xử lý.

 

Ngô sinh khối - Hạt giống Trường Phúc

Việc chọn giống ngô cũng rất quan trọng khi muốn phòng trừ sâu bệnh

 

3.6. Thu hoạch

Thời điểm lý tưởng cắt cây ngô xanh để làm ngô sinh khối là khi 50% số bắp trên cây ở giai đoạn chín sáp, tương đương với giai đoạn 30 - 35 ngày sau khi ngô trổ cờ. Thu hoạch toàn bộ thân cây bao gồm cả bắp, cắt thành các đoạn từ 3 – 5 cm để tiến hành ủ chua.

 

Thu hoạch khi ngô chín sáp để có chất lượng thức ăn tốt cho gia súc

 

Địa điểm mua hạt giống để trồng ngô sinh khối

Tại Hạt giống Trường Phúc - Đơn vị cung cấp các sản phẩm hạt giống chất lượng cao, chúng tôi có các loại giống ngô lý tưởng để trồng ngô sinh khối như: Ngô lai NK 7328, Ngô chuyển gen CP 501S, Ngô chuyển gen NK 7328 Bt/Gt.

 

Ngô sinh khối - Hạt giống Trường Phúc

Hạt giống Trường Phúc cung cấp nhiều giống ngô chăn nuôi chất lượng

 

Quý khách có thể xem thêm các loại giống ngô chăn nuôi khác tại đây hoặc liên hệ qua hotline 0262.395.4361 để được tư vấn trực tiếp.

 

Thông tin liên hệ

CÔNG TY TNHH GIỐNG CÂY TRỒNG TRƯỜNG PHÚC

Địa chỉ: 127 Lê Thị Hồng Gấm, phường Tân Lợi, Thành phố Buôn Mê Thuột, Tỉnh Đắk Lắk

Email: hatgiongtruongphuc@outlook.com

Hotline: 0262.395.4361