“Tất tần tật” về cây dưa leo

Dưa leo là một loại thực phẩm quen thuộc thường xuất hiện hàng ngày trong bữa ăn của người Việt. Thế nhưng có mấy ai hiểu rõ về cây dưa leo và kỹ thuật canh tác để có được trái ngon. Trong bài viết sau, Hạt giống Trường Phúc sẽ “mách bạn” những điều cần biết về cây dưa leo và kỹ thuật trồng đúng cách.
 

Nguồn gốc và tình hình trồng dưa leo tại Việt Nam

1.1. Nguồn gốc

Dưa leo (dưa chuột) có nguồn gốc từ Ấn Độ, ở giữa vịnh Bengal và dãy Himalayas cách đây hơn 3.000 năm và được mang đi dọc theo hướng Tây Châu Á, Châu Phi và miền Nam Châu Âu. Dù chỉ chứa lượng dinh dưỡng và năng lượng thấp nhưng dưa leo lại có hàm lượng vitamin và chất khoáng cao nên rất được ưa chuộng.

 

Hạt giống dưa leo - Hạt giống Trường Phúc

Dưa leo thường xuất hiện trong các bữa ăn như món rau ăn kèm

 

1.2. Tình hình trồng dưa leo tại Việt Nam

Ở nước ta, dưa leo đã được trồng phổ biến từ rất lâu. Tại thành phố Hồ Chí Minh, diện tích gieo trồng dưa leo hàng năm có thể lên đến hàng trăm hecta ở hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Riêng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, dưa leo được trồng rất phổ biến, nhất là vùng rau Sóc Trăng và huyện Chợ Mới ở An Giang.
 

Đặc tính sinh học của cây dưa leo

Đặc tính sinh học của dưa leo theo từng bộ phận:

- Rễ cây: Bộ rễ phát triển yếu, rễ chỉ phân bố ở tầng đất mặt 30 - 40 cm. 

- Thân cây: Dưa leo thuộc giống cây thân thảo hằng niên.

  • Thân dài trung bình 1 - 3 m, có nhiều tua cuốn để bám khi bò. 

  • Thân tròn hay có góc cạnh, có lông ít hay nhiều tùy giống. 

  • Thân chính thường phân nhánh, một số loại không thành lập nhánh ngang. 

  • Chiều dài thân tùy điều kiện canh tác và giống dưa leo. Các giống canh tác ngoài đồng thường dài từ 0.5 - 2 m, giống trồng trong nhà kính có thể dài 5 m. 

- Lá cây: Lá đơn, to, mọc cách nhau trên thân, dạng lá hơi tam giác với cuống lá dài 5 - 15 cm, kích thước và hình dáng lá trên cùng 1 cây có thể khác nhau, rìa lá nguyên hay có răng cưa. 

- Hoa dưa leo: 

  • Hoa đơn tính đồng chu hay biệt chu. 

  • Hoa cái mọc ở nách lá thành đôi hoặc riêng biệt, hoa đực mọc thành cụm từ 5 - 7 hoa, dưa leo cũng có hoa lưỡng tính. 

  • Hoa có màu vàng, thụ phấn nhờ côn trùng, bầu noãn phát triển rất nhanh ngay trước khi hoa nở. 

Các giống dưa leo trồng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thường ra hoa sớm, bắt đầu ở nách lá thứ 4 - 5 trên thân chính và sau đó sẽ nở liên tục trên thân chính và nhánh.
 

- Trái dưa leo: Lúc còn non có gai xù xì, khi trái lớn gai từ từ mất đi. Trái có thể màu xanh đậm hoặc xanh nhạt, có hoặc không có hoa văn (sọc, vệt, chấm) và khi chín chuyển sang màu vàng sậm, nâu hay trắng xanh. Trái tăng trưởng rất nhanh nên thường có thể thu trái từ 8 - 10 ngày sau khi hoa nở.

 

Hạt giống dưa leo - Hạt giống Trường Phúc

Trái dưa leo có màu xanh tươi mát, đẹp mắt

 

- Hạt dưa leo: Hạt có màu trắng ngà, trọng lượng 1000 hạt từ 20 - 30 g, trung bình trên 1 trái dưa leo có khoảng 200 - 500 hạt.
 

Điều kiện sinh trưởng cây dưa leo

3.1. Nhiệt độ

Dưa leo thuộc nhóm ưa nhiệt với nhiệt độ lý tưởng cho quá trình sinh trưởng và phát triển là 20 - 30°C. Nhiệt độ cao hơn sẽ làm cây ngừng sinh trưởng và nếu kéo dài nhiệt độ 35 - 40°C cây sẽ không sống được. 

 

3.2. Ánh sáng

Dưa leo ưa ánh sáng ngày ngắn, thích hợp cho sinh trưởng và phát dục ở độ dài chiếu sáng 10 - 12 giờ/ ngày, cường độ ánh sáng trong khoảng 15.000-17.000 lux.

 

Hạt giống dưa leo - Hạt giống Trường Phúc

Dưa leo cần có nhiệt độ và ánh sáng hợp lý mới có thể phát triển tốt

3.3. Nước

Dưa leo yêu cầu về độ ẩm đất rất cao, khoảng 85 - 95% do bộ rễ chỉ phát triển ở tầng đất mặt. Dưa leo chịu hạn rất yếu, thiếu nước cây sẽ sinh trưởng kém và tích lũy Cucurbitacine - Chất gây đắng trong quả. Ở các thời kỳ khác nhau, cây dưa leo cần lượng nước khác nhau:

- Hạt nảy mầm yêu cầu lượng nước bằng 50% trọng lượng hạt.

- Thời kỳ cây con thân lá và bộ rễ phát triển còn yếu, lượng nước tiêu hao ít nên cây yêu cầu nước ở mức độ vừa phải. 

- Thời kỳ ra hoa đến thu quả, cây yêu cầu nước nhiều nhất. 

 

3.4. Đất trồng

Đất trồng dưa leo có yêu cầu nghiêm khắc do bộ rễ phát triển yếu, sức hấp thụ của rễ lại kém, nếu gặp hạn, úng hoặc nồng độ phân cao dễ làm bộ rễ dưa vàng khô và thâm đen. Do vậy, đất trồng phải có thêm thành phần cơ giới nhẹ như cát pha, đất thịt nhẹ có nhiều chất hữu cơ với độ pH từ 5.5 - 6.8.

 

Hạt giống dưa leo - Hạt giống Trường Phúc

Đất trồng cây dưa leo phải có những yêu cầu riêng để cây đạt năng suất cao

 

3.5. Phân bón

Về hiệu suất sử dụng phân, dưa leo cần nhất là kali, đạm và sau cùng là lân. Dưa leo phản ứng nhanh chóng với dinh dưỡng trong đất nhưng lại không chịu được nồng độ phân cao. Vì vậy, lượng phân bón cho dưa leo thường được thúc nhiều lần thay vì bón tập trung trong vụ.
 

Kỹ thuật canh tác cây dưa leo

4.1. Thời vụ 

Cây dưa leo có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là trồng vào vụ Đông - Xuân (từ cuối tháng 10 - tháng 2) hoặc đầu mùa mưa (tháng 5 - 7). Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, cây dưa leo thường được trồng vào 4 vụ:

- Vụ Hè - Thu: Gieo tháng 5 - 6, thu hoạch tháng 7 - 8. Đây là thời vụ chính trồng dưa leo giàn, mùa này dưa cho năng suất cao, ít sâu bệnh và đỡ công tưới nước. 

- Vụ Thu - Đông (tháng 8 - 10): Mưa nhiều, cây có cành lá xum xuê nhưng ra hoa trái ít. 

- Vụ Đông - Xuân: Gieo tháng 10 - 11, thu hoạch tháng 12 - 1, dưa leo bò và dưa giàn đều trồng được. Vụ này thuận lợi nhất trong năm nên giá bán thường rẻ. 

- Vụ Xuân - Hè: Gieo tháng 1 - 2, thu hoạch tháng 3 - 4, mùa này nhiệt độ cao thích hợp cho dưa leo trồng đất. Do đây là thời điểm thời tiết khắc nghiệt nhất trong năm nên cây sinh trưởng kém, thân ngắn, lá nhỏ, hoa trái ít và năng suất thấp.

 

Hạt giống dưa leo - Hạt giống Trường Phúc

Dưa leo cho năng suất cao hay thấp tùy theo thời vụ trồng

 

4.2. Làm đất và gieo hạt

4.2.1. Làm đất

Bộ rễ dưa leo phát triển yếu nên cần làm đất kỹ hơn các cây khác trong họ bầu bí. Đất mặt phải cày sâu 10 - 20 cm, lên lập cao 20 - 25 cm để trồng trong mùa mưa hoặc trồng có làm giàn, mùa nắng không cần lên lớp. 

 

4.2.2. Gieo hạt

Hạt nên phơi nắng nhẹ vài giờ trước khi gieo. Đặc tính hạt dưa leo nảy mầm rất nhanh và tỉ lệ nảy mầm cao. Khoảng cách trồng 1.2 - 1.5 m x 0,304 m với mật độ 30.000 - 50.000 cây/ ha. Dưa leo nên trồng hàng đơn để dễ chăm sóc, hạn chế sâu bệnh, thu hái dễ dàng và cho năng suất tốt. 

Tùy theo mùa mà cách gieo hạt sẽ khác nhau:

- Mùa nắng: Tỉa thẳng mỗi lố 2 - 3 hạt gieo sâu 2 - 3 cm và lấp tro trấu. 

- Mùa mưa: Để cây lên đều, có thể gieo cây con trong bầu đất. 

Nếu trồng vụ Đông - Xuân có thời tiết lạnh, nhất là vào đêm nên ủ hạt nảy mầm rồi mới gieo thì cây sẽ mọc nhanh và đều.

 

4.3. Chăm sóc

Những cách đơn giản có thể áp dụng để chăm sóc cây dưa leo như:

- Giậm hạt.

- Tỉa cây con.

- Tưới nước đầy đủ.

- Làm cỏ, vun gốc.

- Phủ rơm.

- Làm giàn.

 

Hạt giống dưa leo - Hạt giống Trường Phúc

Người trồng cần chăm sóc cây dưa leo đúng cách để cây thu được trái ngon

Mua giống dưa leo tốt ở đâu?

Nếu chưa biết mua hạt giống dưa leo ở đâu, Hạt giống Trường Phúc chính là một lựa chọn đúng đắn cho quý khách bởi đây là nơi chuyên cung cấp các sản phẩm hạt giống chất lượng. Hiện nay, chúng tôi có sản phẩm hạt giống dưa leo lai F1 sinh trưởng tốt và năng suất cao.

 

Hạt giống dưa leo - Hạt giống Trường Phúc

Hạt giống dưa leo tại Hạt giống Trường Phúc đạt chất lượng cao

 

Xem thêm chi tiết hạt giống dưa leo lai tại đây hoặc liên hệ qua hotline 0262.395.4361 để được tư vấn trực tiếp.
 

Thông tin liên hệ

CÔNG TY TNHH GIỐNG CÂY TRỒNG TRƯỜNG PHÚC

Địa chỉ: 127 Lê Thị Hồng Gấm, phường Tân Lợi, Thành phố Buôn Mê Thuột, Tỉnh Đắk Lắk

Email: hatgiongtruongphuc@outlook.com

Hotline: 0262.395.4361